Chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1: những điều cần lưu ý
Nạo VA là một thủ thuật cần thiết khi viêm VA quá phát, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm xoang và biến dạng xương mặt. Viêm VA ở trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con. Khi đó, nạo VA là phương pháp hiệu quả được nhiều phụ huynh tin chọn. Cùng Medpro tìm hiểu kĩ hơn về chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 và những điều cần lưu ý trong bài viết.
Sơ lược về VA và bệnh lý viêm VA ở trẻ
VA là từ viết tắt của Vegetations Adenoids - đây là mô lympho nằm ở vùng vòm mũi họng, đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của mỗi người, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi.
VA giúp nhận diện, bắt giữ và sản xuất các kháng thể tự nhiên để chống lại vi khuẩn có hại trong đường hô hấp. Viêm VA xảy ra khi VA bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập và thường gặp ở trẻ vào mùa lạnh.
VA là mô lympho ở vùng vòm mũi họng. Nguồn: Youtube Bệnh viện Nhi Đồng 1
Chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1
Theo thông tin từ Báo điện tử Chính Phủ ngày 01/08/2023, các mức chi phí liên quan đến nạo VA được liệt kê như sau:
- Nạo VA gây mê: 790.000 - 3.557.000 VND;
- Nội soi nạo VA gây mê sử dụng Hummer: 1.574.000 - 5.511.000 VND (đã bao gồm cả dao Hummer);
- Phẫu thuật nội soi nạo VA bằng dao Plasma: 3.771.000 - 7.534.000 VND (đã bao gồm dao plasma);
- Phẫu thuật nạo VA nội soi: 2.814.000 - 5.988.000 VND.
Đây là khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp từ 15/8/2023, trích Thông tư 1/2023/TT-BYT ngày 29/06/2023 của Bộ Y tế.
Như vậy, vì là bệnh viện chuyên khoa hạng 1, trực thuộc Bộ Y tế, chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ có mức giá tối thiểu rơi vào mức 790.000 VND. Về phần chi phí phẫu thuật thì tuỳ thuộc vào mức độ viêm VA, tính khó dễ của ca phẫu thuật cũng như mức đồng chi trả của BHYT.
Nhìn chung, tổng chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ dao động từ 2.000.000 - 8.000.000 VND, bao gồm cả tiền khám và phí tiểu phẫu/phẫu thuật.
Chi phí nạo VA theo Thông tư Bộ Y tế. Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
Thông tin hữu ích về nạo VA trẻ em
Quy trình nạo VA cho trẻ
Mỗi cơ sở y tế khác nhau sẽ có quy trình nạo VA cho trẻ riêng biệt. Tuy nhiên, quy trình chung thường sẽ trải qua 05 bước:
+Thăm khám và đánh giá: Trẻ bị viêm VA sẽ được khám bởi bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để có chỉ định phẫu thuật.
+ Xét nghiệm tiền phẫu: Khi đã có chỉ định nạo VA, trẻ được làm các xét nghiệm như đông cầm máu, số lượng tế bào máu,... để đảm bảo an toàn khi gây mê, trong quá trình phẫu thuật cũng như hậu phẫu cho trẻ.
+ Chuẩn bị phẫu thuật: Một ngày trước khi phẫu thuật, trẻ sẽ không được ăn hay uống bất kỳ thứ gì từ sau nửa đêm.
+ Phẫu thuật: Phẫu thuật nạo VA sẽ được thực hiện qua đường miệng với nguyên tắc chính là lấy phần mô VA bệnh lý. Tùy thuộc vào thiết bị phẫu thuật mà phương pháp có thể khác nhau giữa các cơ sở y tế.
+ Chăm sóc sau phẫu thuật: Trong quá trình chăm sóc bé hậu phẫu, gia đình cần tuân thủ chế độ ăn uống, vệ sinh răng miệng, và bổ sung nước. Đặc biệt, trong chế độ ăn của bé cần tránh những kích thích cơ học như ăn rắn quá sớm để hạn chế nguy cơ chảy máu.
Đối tượng chỉ định nạo VA
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thị Thúy Hằng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh HCM, phẫu thuật nạo VA sẽ được chỉ định cho trẻ từ 1 tuổi trở lên khi có các triệu chứng như:
- Trẻ có tiền sử viêm VA và tái phát trên 6 lần mỗi năm;
- Hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng do VA quá phát gây bít đường thở hoặc viêm mũi xoang trẻ em;
- Vòi nhĩ bị tắc gây nhiễm trùng tai giữa, dẫn đến nguy cơ thủng màng nhĩ hoặc ảnh hưởng đến chức năng nghe;
- Cơ thể trẻ không đáp ứng với điều trị kháng sinh kéo dài.
Trẻ được chỉ định nạo VA khi quá phát hoặc có biến chứng. Nguồn: Youtube Bệnh viện Nhi Đồng 1
Biến chứng sau nạo VA
Cũng theo BSCKII Thúy Hằng, một số biến chứng có thể xảy ra sau khi nạo VA là:
+ Chảy máu: Đây là biến chứng hiếm gặp, nhưng nếu xảy ra, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay để bác sĩ can thiệp.
+ Tổn thương vùng họng miệng: Do cấu trúc họng miệng hẹp, trẻ có thể bị tổn thương môi, lưỡi, hoặc răng trong quá trình phẫu thuật.
+ Thay đổi giọng nói: Sau khi vết thương lành, cấu trúc mũi họng thay đổi có thể làm giọng nói của trẻ bị thay đổi. Trẻ cần được điều trị bằng liệu pháp ngôn ngữ để phục hồi giọng nói.
+ Nhiễm trùng vết mổ: Trẻ sẽ được bác sĩ kê toa kháng sinh và hướng dẫn vệ sinh mũi họng sau mổ để tránh nhiễm trùng.
Tuy nhiên, biến chứng này chỉ xảy ra nếu có sai sót trong quá trình phẫu thuật hoặc trẻ không được điều trị phục hồi đúng cách. Do đó, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để khám và phẫu thuật cũng tuân thủ quy tắc chăm sóc hậu phẫu để đảm bảo sức khỏe cho bé.
Nếu trẻ có các dấu hiệu như: sốt từ 38,5°C trở lên; nôn ói liên tục; ăn kém, bỏ ăn; chảy máu vùng mũi họng, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và theo dõi.
Một số lưu ý về chăm sóc bé sau nạo VA
Bên cạnh thông tin về chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, ba mẹ cũng cần lưu ý một số thông tin trong chăm sóc để giúp bé yêu nhanh chóng hồi phục và quay lại cuộc sống thường ngày sau phẫu thuật.
+ Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Sử dụng thuốc và thực hiện các chỉ dẫn chăm sóc sau phẫu thuật một cách nghiêm túc.
+ Vệ sinh răng miệng: Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng và đúng cách, có thể cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý. Tránh để bé sục họng để hạn chế ảnh hưởng đến vết thương nạo VA.
+ Tránh xì mũi: Không cho bé xì mũi ít nhất trong một tuần sau phẫu thuật để hạn chế ảnh hưởng đến vết thương. Nếu bé bị sổ mũi, ba mẹ dùng khăn mềm để lau nhẹ nhàng cho trẻ.
+ Bổ sung nước: Cung cấp đủ nước cho bé thường xuyên để tránh tình trạng mất nước và giúp duy trì độ ẩm cho họng.
+ Hạn chế vận động mạnh: Tránh để bé vận động quá mạnh, luôn giữ ấm cơ thể để ngăn ngừa cảm lạnh và các bệnh truyền nhiễm.
+ Theo dõi tình trạng sức khỏe: Quan sát kỹ lưỡng và báo cho bác sĩ nếu bé có triệu chứng bất thường kéo dài như nôn mửa, chảy máu, hoặc sốt cao không dứt.
Bên cạnh đó, ba mẹ nên cung cấp một chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho bé, giúp bé chống lại vi khuẩn và các bệnh khác. Cuối cùng, việc tái khám định kỳ sau nạo VA là rất quan trọng để kiểm tra tình trạng vết thương và đảm bảo không có biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về viêm VA ở trẻ và chi phí nạo VA ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Hy vọng ba mẹ đã có thêm nguồn tham khảo hữu ích về chi phí để chuẩn bị trước khi đưa trẻ đi tiểu phẫu.
Nạo VA là một phẫu thuật nhỏ với thời gian phục hồi nhanh, ít biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, ba mẹ nên lựa chọn các cơ sở y tế đáng tin cậy với đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao.
Để đảm bảo quá trình khám chữa bệnh cho con được diễn ra an toàn và thuận tiện, ba mẹ có thể đặt lịch khám trước tại chuyên khoa tai mũi họng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông qua nền tảng Medpro - Đặt khám nhanh. Điều này giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và đảm bảo con được chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả.
Đặt lịch khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Thông tin tham khảo
- Thông tin y học thường thức về viêm VA ở trẻ - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: https://vncdc.gov.vn/viem-va-o-tre-khi-nao-nguy-hiem-nd14919.html
- Thông tin từ Bộ Y tế về bảng giá khám chữa bệnh tai mũi họng theo yêu cầu tại các bệnh viện công từ 15/08/2023 - Báo điện tử Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/khung-gia-dich-vu-kham-chua-benh-tai-mui-hong-theo-yeu-cau-tu-15-8-119230705151833997.htm
- Giải đáp thắc mắc về chuyên đề Tai Mũi Họng - Bệnh viện Nhi Đồng 1: https://nhidong.org.vn/chuyen-muc/tra-loi-cau-hoi-ve-suc-khoe-cua-phu-huynh-ky-50-chuyen-de-tai-mui-hong-c3-951.aspx
- Thông tin bệnh học về phẫu thuật nạo VA - BỆnh viện Đa khoa Tâm Anh: https://tamanhhospital.vn/phau-thuat-nao-va
Tin liên quan