Chu kì kinh nguyệt ở phụ nữ trung bình là bao nhiêu ngày?
Nhiều chị em thắc mắc chu kỳ kinh nguyệt là bao nhiêu ngày? Những vấn đề xoay quanh chu kỳ kinh nguyệt là một trong các yếu tố xác định tình trạng của cơ thể phụ nữ, do vậy cần hiểu hơn về nó để chăm sóc sức khỏe một cách tốt hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích, giúp bạn đọc nắm bắt chi tiết hơn về chu kỳ kinh nguyệt.
Thông tin tổng quan về chu kỳ kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt biểu thị những thay đổi có thể xảy ra hàng tháng, vốn là một hiện tượng sinh lý tự nhiên thể hiện khả năng sinh sản của phụ nữ. Chu kỳ được tính từ ngày đầu tiên xuất hiện kinh nguyệt đến ngày đầu tiên của kỳ hành kinh tiếp theo, thời gian khác nhau ở mỗi người.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt sẽ bao gồm: hành kinh, phát triển nang trứng, làm dày nội mạc tử cung, rụng trứng và thoái hóa nội mạc tử cung.
Chu kỳ kinh nguyệt được coi là dấu hiệu quan trọng nhận biết tình trạng sức khỏe ở nữ giới, khi các bất thường xảy ra cũng là lúc báo động cho một cơ thể đang có những thay đổi đáng bận tâm. Lúc này, chị em nên có những hướng xử lý phù hợp để khắc phục các bất thường trên.
Chu kỳ kinh nguyệt là bao nhiêu ngày?
1. Phụ nữ trưởng thành:
Với người ở độ tuổi trưởng thành, thông thường chu kỳ kinh sẽ kéo dài 28 ngày, không sử dụng bất kỳ hình thức tránh thai nội tiết tố hoặc đặt vòng tránh thai nào, dao động từ 11 đến 13 chu kỳ kinh nguyệt mỗi năm. Thời gian hành kinh sẽ dao động từ 2 đến 7 ngày. Tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, chu kỳ kinh sẽ chênh lệch vài ngày, song nếu có sự thay đổi đáng kể cần đến gặp bác sĩ tư vấn ngay. Độ dài chu kỳ của bạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, sinh hoạt, tâm trạng cơ thể hay bất cứ hoạt động ảnh hưởng đến hormone sinh sản của phụ nữ, bệnh lý về tử cung,..Bên cạnh đó, độ dài chu kỳ còn được xác định bởi tuổi, gen, sức khỏe, chỉ số khối cơ thể (BMI), hành vi và phương pháp kiểm soát sinh sản.
2. Độ tuổi dậy thì:
Với con gái ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi bất thường do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Những tháng đầu tiên khi có kinh, kinh nguyệt có thể không đến đúng ngày, thời gian hành kinh hay lượng máu mất đi cũng khác nhau. Đây là tình trạng bình thường, phổ biến ở hầu hết các bạn nữ vừa dậy thì và không có ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến sức khỏe. Một chu kỳ kinh nguyệt trung bình ở bạn nữ tuổi dậy thì thường là từ 21 đến 45 ngày, đôi khi có thể dài hơn hoặc ngắn hơn.
Khi bắt đầu có kinh nguyệt, trứng có thể không rụng đều đặn, song vào những năm tiếp theo, việc rụng trứng sẽ diễn ra trong hầu hết các chu kỳ, giúp kinh nguyệt được ổn định.
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài 28 ngày ở độ tuổi trưởng thành. Nguồn: Internet
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác
Để hiểu rõ cơ thể và nắm bắt tình trạng của bản thân, phái nữ thường có nhu cầu biết cách tính chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày. Dưới đây là phương pháp tính được Medpro tổng hợp từ các nguồn bệnh viện uy tín như bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ để bạn đọc có thể tham khảo:
- Đánh dấu ngày đầu tiên hành kinh trong tháng và ngày đầu tiên của kỳ hành kinh tháng tiếp theo. Khoảng cách giữa hay cột mốc là chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Hiện nay, người dân có thể sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại di động, có tích hợp nhiều tính năng nhằm chủ động nắm bắt, dự đoán kỳ kinh nguyệt cho chị em phụ nữ, thay vì phải theo dõi và tính thủ công như xưa.
Đối với quá trình thụ thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ được chia ra như sau:
- Thời kỳ an toàn: Khoảng thời gian có tỷ lệ mang thai thấp, được tính từ ngày 19 - 20 của chu kỳ kinh tháng này đến ngày đầu tiên của chu kỳ kinh tháng tiếp theo.
- Thời kỳ dễ thụ thai: Khả năng thụ thai cao khi trứng rụng, thời điểm lý tưởng nhất để thụ thai chính là quan hệ trước và sau ngày rụng trứng 1 ngày (tức là ngày thứ 13 – 15 của chu kỳ).
Bảng đồ phân chia quá thai trong một chu kỳ kinh nguyệt. Nguồn: Internet
Triệu chứng bình thường của chu kỳ kinh nguyệt
Trong quá trình chu kỳ diễn ra, cơ thể sẽ có những biến đổi về nội tiết, tâm sinh lý, vốn là những triệu chứng bình thường và phổ biến ở hầu hết các chị em. Chị em có thể tham khảo một số biểu hiện dưới đây để tránh hoang mang, lo lắng quá độ:
- Tâm trạng thay đổi: sự dao động của hormone estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ có thể cảm thấy buồn, lo lắng, cáu gắt, dễ khóc hoặc thiếu tự tin.
- Đau đầu nhẹ, đầy hơi, đau bụng, nổi mụn trứng cá, căng tức ngực, mệt mỏi…
- Chuột rút ở lưng hoặc vùng bụng dưới
Dấu hiệu cho thấy chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Như đã đề cập ở trên, chu kỳ kinh nguyệt khác nhau ở từng đối tượng, do đó mỗi chị em cần có ý thức chủ động nắm bắt các dấu hiệu bất thường trong thời gian hành kinh để có hướng xử lý phù hợp. Một số dấu hiệu cho thấy chu kỳ kinh của bạn đang gặp vấn đề:
- Chu kỳ gián đoạn từ 2 đến 3 tháng liên tiếp nhưng không mang thai
- Khoảng cách giữa các chu kỳ kinh ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày với lượng máu nhiều bất thường, cần thay băng liên tục, nhất là về đêm, dấu hiệu bị rong kinh (internal link)
- 16 tuổi nhưng chưa có kinh nguyệt
- Lo lắng về khả năng mang thai vì chậm kinh hoặc quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai.
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về chu kỳ kinh nguyệt
1. Chu kỳ kinh nguyệt đều là bao nhiêu ngày?
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường ở nữ giới kéo dài 21 đến 35 ngày, độ dài trung bình là 28 ngày.
2. Chu kỳ kinh nguyệt 45 ngày có bình thường không?
Câu trả lời là không. 45 ngày là thời gian quá dài so với một chu kỳ bình thường, chị em nên đến bác sĩ thăm khám để nắm rõ tình trạng.
3. Bị trễ kinh có sao không?
Bị trễ kinh thời gian dài và tần suất nhiều lần cho thấy cơ thể đang có những thay đổi bất thường. Chị em cần thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh lý mắc phải để điều trị hiệu quả.
Kết luận:
Bài viết đã giải đáp thắc mắc thông thường chu kỳ kinh nguyệt là bao nhiêu ngày, đồng thời cung cấp một số thông tin cần thiết xoay quanh vấn đề này. Hy vọng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho phái nữ trong quá trình chăm sóc cơ thể ngày một khỏe mạnh hơn.
Tin liên quan