Bệnh da thường gặp ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân và giải pháp
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).
Làn da của trẻ sơ sinh, khi mới chào đời, phải thích nghi với môi trường hoàn toàn mới bên ngoài. Chính sự thay đổi đột ngột này khiến trẻ dễ mắc các bệnh về da. Nếu không được chăm sóc đúng cách, các bệnh lý da liễu có thể gây ra nhiều khó chịu cho bé, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Vì sao trẻ sơ sinh thường gặp các vấn đề về da?
Da trẻ sơ sinh mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị kích ứng do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, cùng với tuyến mồ hôi và bã nhờn chưa ổn định. Những yếu tố này khiến bé dễ mắc các bệnh về da.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với tã bỉm, quần áo, hóa chất hoặc các tác nhân môi trường như nhiệt độ và độ ẩm cũng góp phần gây ra các vấn đề da phổ biến như rôm sảy, chàm sữa, hay hăm tã. Ngoài ra, các yếu tố di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng da của trẻ.
7 bệnh da thường gặp ở trẻ sơ sinh
1. Vàng da do thừa bilirubin trong máu
Bilirubin là một sắc tố vàng của hồng cầu, ở trẻ sơ sinh, nếu thừa bilirubin trong máu sẽ gây ra hiện tượng da và mắt của trẻ chuyển sang màu vàng. Bệnh lý vàng da thường xảy ra do gan trẻ chưa trưởng thành để lọc bỏ bilirubin, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ bú mẹ.
Có 2 dạng vàng da: vàng da trước 15 ngày tuổi cần khám hay cún ý kiến của bác sĩ để tránh vàng da nhân
- Vàng da sinh lý: Xuất hiện sau 1 ngày sinh, màu vàng nhẹ chỉ ở mặt, cổ, ngực, và bụng trên rốn. Tình trạng này thường tự hết sau 1 tuần (với trẻ đủ tháng) hoặc 2 tuần (với trẻ sinh non).
- Vàng da bệnh lý: Xuất hiện trong 24 giờ sau sinh, da chuyển vàng đậm toàn thân và mắt, không tự hết sau 1-2 tuần. Kèm theo các triệu chứng như lừ đừ, bỏ bú, hoặc co giật.
Vàng da sinh lý không nguy hiểm và thường tự khỏi. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý cần điều trị kịp thời để tránh gây biến chứng vàng da nhân não, có thể khiến trẻ tử vong hoặc chậm phát triển về sau. Vàng da bệnh lý có thể điều trị bằng liệu pháp ánh sáng và cho trẻ bú thường xuyên để tăng khả năng đào thảo bilirubin trong máu.
Vàng da là bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguồn: Báo Lao Động
2. Chàm sữa là bệnh lý da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa (lác sữa) là một bệnh lý da phổ biến ở trẻ sơ sinh, xuất hiện chủ yếu ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Ban đầu, da bé có nốt hồng nhỏ, sau đó chuyển thành mụn nước đỏ, dễ vỡ, gây khô, nứt, đóng vảy, và ngứa. Bệnh thường xuất hiện ở mặt, hai má, sau đó lan ra tay chân và cơ thể. Chàm sữa có thể tự khỏi khi trẻ khi lớn lên , nhưng nếu không chăm sóc đúng cách, bệnh có thể kéo dài và chuyển thành chàm thể tạng.
Để chăm sóc da cho trẻ bị chàm sữa, ba mẹ nên vệ sinh mặt và miệng cho bé sau mỗi bữa ăn, hạn chế các thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, hải sản hay thịt bò. Hãy sử dụng sữa tắm dịu nhẹ, cắt móng tay bé thường xuyên để tránh gãi ngứa, và giữ nhà cửa thông thoáng, không để khói thuốc hay thú nuôi làm ảnh hưởng đến bé. Ngoài ra, ba mẹ không tự ý dùng thuốc và luôn dưỡng ẩm da cho trẻ. Vì chàm sữa có thể tái phát, việc chăm sóc da đúng cách là rất quan trọng.
Chàm sữa là bệnh lý phổ biến ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống
3. Rôm sảy do quá nóng
Rôm sảy là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt vào mùa hè oi ả, khi nhiệt độ cao khiến trẻ tiết nhiều mồ hôi. Do tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, mồ hôi không thoát ra, dẫn đến tình trạng nổi nốt mẩn đỏ như đầu kim, với đầu nốt có chút nước và viền đỏ. Rôm sảy thường xuất hiện ở đầu, cổ, ngực và lưng, gây cảm giác ngứa ngáy, nóng rát, khiến trẻ gãi và dễ bị viêm nhiễm.
Nguyên nhân gây rôm sảy không chỉ do thời tiết mà còn do mặc quá nhiều quần áo, chất liệu không thấm hút, sốt cao, hoặc khi trẻ vận động nhiều. Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tái phát nhiều lần và nghiêm trọng hơn, gây tổn thương sâu bên trong da và dẫn đến kiệt sức, mạch đập nhanh, nôn ói,...
Để phòng ngừa và điều trị rôm sảy, phụ huynh nên cho trẻ mặc trang phục nhẹ, rộng rãi và thấm hút mồ hôi, dùng vải hút ẩm, tránh loại vải thô cứng. Phụ huynh cũng nên tắm nước mát hàng ngày và để trẻ ở nơi thoáng mát, tránh ôm ấp quá nhiều. Nếu rôm sảy nặng kèm theo sốt hoặc quấy khóc, ba mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
4. Hăm tả ở bé khi sử dụng bỉm thường xuyên
Hăm tã là một trong những bệnh lý da ít được phụ huynh chú ý. Hăm tã thường gặp ở trẻ từ 3 đến 15 tháng tuổi, đặc biệt ở những bé sử dụng bỉm thường xuyên.
Khi tã ướt hoặc bẩn để lâu, da quanh vùng sinh dục và mông bé dễ nổi mẩn đỏ. Nếu không được chăm sóc đúng cách, hăm tã có thể dẫn đến nhiễm nấm men Candida và nhiễm trùng da. Biểu hiện ban đầu là da tiếp xúc với tã hơi đỏ, có thể nứt nẻ, đóng vảy hoặc mưng mủ.
Để ngăn ngừa hăm tã, mẹ cần thường xuyên thay tã và vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa mông bé bằng xà phòng và nước ấm, hoặc ngâm mông trong chậu nước ấm khoảng 30 - 60 giây. Mẹ cũng có nên thoa kem hăm vào vùng da bị tổn thương và giữ da bé thông thoáng thay vì để tã kín cả ngày. Nếu tình trạng hăm kéo dài trên 5 ngày, bé bị sốt, hoặc vùng hăm nổi mụn mủ và có dấu hiệu lan rộng, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị kịp thời.
5. Nổi hạt kê - mụn kê/mụn sữa ở trẻ
Khoảng 20 - 40% trẻ sơ sinh mắc mụn sữa do hormone từ mẹ hoặc phì đại tuyến bã, thường xuất hiện ngay sau sinh hoặc trong vài tuần đầu. Mụn sữa có dạng nốt nhỏ màu trắng với vùng da đỏ xung quanh, thường tăng lên khi nhiệt độ cơ thể cao hoặc tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ và chất tẩy rửa.
Mụn kê có 2 dạng, gồm:
- Dạng tinh thể: Mụn nước nhỏ không viêm, giống giọt sương, thường xuất hiện ở đầu, cổ và thân trên.
- Dạng rôm đỏ: Các sần hồng kích thước 2-4 mm, có thể trợt da hoặc có mụn mủ, thường ở nếp gấp như cổ, nách và bẹn. Trẻ có thể cảm thấy ngứa, đặc biệt khi ra mồ hôi.
Mặc dù không gây đau hay ngứa, nếu không chăm sóc đúng cách, mụn kê có thể dẫn đến kích ứng hoặc viêm nhiễm. Mụn thường biến mất trong vài tuần hoặc tháng, nhưng nếu kéo dài trên 3 tháng, cần đưa trẻ đến bác sĩ. Trong thời gian này, không nên bôi kem hay thuốc lên mụn, tắm bé bằng nước sạch và sữa tắm dịu nhẹ, chọn chăn đệm thoáng mát và giữ nhiệt độ phòng thoải mái. Mẹ cũng nên hạn chế các thực phậm dễ gây dị ứng như trứng, sữa, lạc, đậu nành, hải sản, món cay nóng,... khi cho bé bú.
6. Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Viêm da tiết bã là một trong những bệnh da thường gặp ở trẻ sơ sinh, chiếm khoảng 10% trường hợp. Bệnh thường xuất hiện trên da đầu và những vùng có nhiều tuyến bã nhờn như sau tai, dưới lông mày, mũi, nách, và háng. Các vảy nhờn có màu vàng hoặc trắng, tróc ra như gàu nhưng thường không gây ngứa hay khó chịu. Dân gian thường gọi đây là “cứt trâu”.
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã là do sự tăng tiết chất nhờn ở nang lông, có thể liên quan đến vi khuẩn nấm hoặc hormone. Bệnh khởi phát sớm, từ 2 - 10 tuần tuổi và thường tự khỏi trong khoảng 8 - 12 tháng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể kéo dài đến 4 tuổi hoặc tái phát trong giai đoạn dậy thì.
Để chăm sóc trẻ bị viêm da tiết bã, ba mẹ cần gội đầu thường xuyên bằng dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh, xoa nhẹ lên da đầu hoặc sử dụng bàn chải mềm để giúp vảy tróc dần. Phụ huynh lưu ý tránh chà xát mạnh và không dùng dầu gội trị gàu cho người lớn, vì có thể gây tổn thương da của bé. Trong một số trường hợp, thuốc mỡ có thể được sử dụng, nhưng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Dù không nguy hiểm, viêm da tiết bã có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ. Nếu thấy triệu chứng kéo dài hoặc nặng hơn, ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.
7. Mề đay là bệnh da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Mề đay, hay còn gọi là mày đay, là một bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này khá khó điều trị và thói quen gãi ngứa của trẻ có thể làm tình trạng thêm nặng.
Mề đay thể hiện bằng các đám sẩn đỏ không đều, nổi gồ trên bề mặt da, có thể liên kết thành mảng. Bệnh được chia thành hai dạng: cấp tính và mạn tính. Triệu chứng đặc trưng bao gồm mẩn đỏ, ngứa ngáy, và sưng tấy. Trẻ có thể mắc bệnh này do yếu tố di truyền, sức đề kháng kém, dị ứng thực phẩm, hóa chất, thời tiết, hay thay đổi thời tiết.
Để điều trị mề đay hiệu quả và an toàn, bên cạnh việc chăm sóc tại nhà, ba mẹ nên đưa trẻ đến khám với bác sĩ da liễu để nhận được tư vấn phù hợp, nhằm tránh tái phát lâu dài. Nếu thấy trẻ quấy khóc, không ăn uống, hoặc có dấu hiệu dị ứng kèm theo như khó thở, đau bụng, hoặc sưng môi, mắt, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần đó để kịp thời theo dõi và điều trị.
Lưu ý khi chăm sóc và điều trị các bệnh về da cho trẻ
Với đặc tính nhạy cảm và dễ bị tổn thương, làn da của trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân như thời tiết, nguồn nước và dinh dưỡng. Dưới đây là một số hướng dẫn để phòng ngừa và chăm sóc làn da bé yêu trước các bệnh thường gặp.
1. Tắm cho trẻ đúng cách
Vào mùa hè, da trẻ dễ bị mồ hôi làm bít lỗ chân lông, dẫn đến các bệnh như rôm sảy, phát ban. Việc tắm hàng ngày giúp loại bỏ mồ hôi và bụi bẩn, giữ cho làn da của bé luôn thoáng mát. Tuy nhiên, vào mùa đông, độ ẩm không khí giảm, trẻ dễ bị khô da dẫn đến các vấn đề như viêm da cơ địa, viêm nang lông. Khi đó, người nhà không cần tắm quá nhiều nhưng cần duy trì vệ sinh cho trẻ, sử dụng nước ấm vừa phải và thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm để giữ cho da mềm mịn. Lưu ý, việc lựa chọn nguồn nước sạch và an toàn cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh ngoài da cho trẻ.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh ngoài da cho bé. Một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe da của trẻ.
Để bảo vệ làn da, hãy bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá hồi, dầu cá và hạt lanh, giúp duy trì độ ẩm tự nhiên cho da. Thêm vào đó, các loại trái cây giàu vitamin E và C như bơ, xoài, chuối,... cũng rất có lợi cho da bé. Tuy nhiên, ba mẹ nên ưu tiên trái cây theo mùa để hạn chế hóa chất độc hại và thuốc trừ sâu từ thực phẩm trái mùa.
Trong nấu ăn, ba mẹ có thể sử dụng đầu ô-liu hoặc dầu dừa cho trẻ, hạn chế các thực phẩm nhiều đường và được chế biến sẵn.
3. Chọn quần áo phù hợp
Việc chọn quần áo phù hợp không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái mà còn bảo vệ làn da mỏng manh. Vào mùa hè, ba mẹ nên chọn cho bé các loại trang phục mỏng nhẹ, thoáng mát, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt từ chất liệu cotton hoặc lanh.
Vào mùa đông, quần áo cotton không chỉ giúp giữ ấm mà còn bảo vệ da trẻ khỏi kích ứng. Do đó, ba mẹ có thể mặc lớp áo cotton bên trong cho trẻ thay vì mang trực tiếp quần áo len để tránh ma sát trực tiếp với da, đồng thời giúp giữ ấm hiệu quả.
4. Bổ sung nước thường xuyên
Uống đủ nước giúp cơ thể trẻ duy trì độ ẩm và làn da luôn mịn màng. Tùy theo độ tuổi, nhu cầu về nước sẽ khác nhau. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ đã cung cấp đủ nước cần thiết. Khi bé bắt đầu ăn dặm, người nhà có thể bổ sung thêm nước bằng thìa để bé tập làm quen. Hơn nữa, việc bổ sung nước qua các món ăn như cháo, súp hoặc trái cây tươi cũng là cách duy trì độ ẩm cho da từ bên trong cho bé.
5. Đảm bảo vệ sinh môi trường quanh bé
Vệ sinh là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh về da ở trẻ. Ngoài việc tắm rửa hàng ngày cho bé, người chăm sóc cũng cần chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh lây bệnh. Môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát cũng góp phần bảo vệ sức khỏe làn da của trẻ.
Đặc biệt, phụ huynh nên thay tả lót thường xuyên, giữ vùng mông và bẹn của trẻ khô thoáng, hạn chế sử dụng bỉm quá lâu để tránh tình trạng viêm nhiễm da.
6. Đưa trẻ đi khám bác sĩ khi cần thiết
Mỗi loại bệnh da liễu ở trẻ sơ sinh yêu cầu phương pháp điều trị riêng biệt. Khi trẻ mắc các bệnh về da, việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng để nhận hướng dẫn chăm sóc phù hợp. Medpro hỗ trợ ba mẹ đặt khám nhanh 300+ cơ sở y tế toàn quốc, bao gồm các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Nhi hàng đầu như:
- Chuyên khoa Da liễu - Bệnh viện Nhi Đồng 1
- Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố
- Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Cần Thơ
- Phòng khám Nhi Đồng Hiếu Phúc
- Phòng khám Nhi & Tham vấn tâm lý Baby DINO
Kết luận
Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của bé. Việc nhận biết và hiểu rõ các bệnh da thường gặp ở trẻ sơ sinh sẽ giúp ba mẹ có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, từ đó hạn chế những khó chịu cho trẻ và ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.
Đừng quên rằng, sự tư vấn và chăm sóc từ các bác sĩ chuyên khoa là vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ làn da nhạy cảm của trẻ. Hãy luôn theo dõi và quan sát để có những phản ứng nhanh chóng khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên da của bé.
Tin liên quan