logo
Banner News

Đau nhức bả vai trái là bị gì? Có cần phải đi khám không?

10/07/2023, 04:26 - NGUYEN CAM
Bả vai thường đau nhức khiến bạn luôn mệt mỏi và trì trệ công việc. Vậy đau nhức bả vai trái là bị gì và có cần phải đi khám không? Tìm hiểu ngay!

Vai là một trong những bộ phận linh động của cơ thể và tham gia vào nhiều loại vận động trong ngày. Vì vậy, khớp vai thường không bền vững và dễ bị tổn thương nếu sử dụng quá mức hoặc dưới mức bình thường. Hôm nay hãy cùng Medpro tìm hiểu về tình trạng đau vai trái. Bệnh lý đau nhức bả vai trái là như thế nào và có cần thiết phải đi khám hay không?

Đau bả vai trái là bệnh gì?

Xét về cấu trúc cơ thể người, xương bả vai là hai xương có hình tam giác ở khu vực lưng trên, nằm hai bên cột sống. Vai trò của chúng là cho phép vai chuyển động xoay trước, sau cũng như nâng và hạ vai.

Tình trạng đau vai trái (đau xương bả vai) khá phổ biến, xảy ra khi vùng xương bả vai bị đau nhức. Nó không chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu mà còn làm cánh tay khó cử động và sưng khớp. Hệ lụy là người bệnh sẽ bị hạn chế vận động khi đau nhức bả vai.

Hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân đau bả vai trái, từ đơn giản đến phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Nguyên nhân đau bả vai trái là do cơ và khớp vai

  • Căng cơ: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bả vai trái. Thường xuất hiện khi sử dụng quá sức các cơ ở bả vai hoặc tình trạng căng thẳng nặng cũng dẫn đến căng cơ, gây đau tại bả vai, cổ hoặc lưng.
  • Rách cơ chóp xoay: Tương tự như cổ máy vận hành quá lâu, gân cơ chóp xoay sẽ bị thoái hoá và mài mòn, dẫn đến tình trạng chóp xoay bị rách/đứt một hoặc toàn phần.
  • Hội chứng đông cứng khớp vai: Thường xảy ra do viêm khớp quá mức, khởi phát sau chấn thương hoặc tự nhiên. Bệnh có thể tự giới hạn sau 2-3 năm nhưng vẫn cần điều trị và tập phục hồi chức năng.
  • Hội chứng đau cân cơ: Là một dạng rối loạn đau mạn tính. Khi nhấn vào một điểm nhạy cảm trong cơ bắp của người bệnh, nó sẽ gây đau tại vùng khác không liên quan đến vùng bị đau trên cơ thể.
  • Đau cơ xơ hóa: Là bệnh lý gây đau toàn thân, với các cơn đau từ sâu bên trong cơ nhưng khó xác định được vị trí đau chính xác. Người bệnh cũng có thể cảm thấy bỏng rát và và lan toả ra các khu vực khác trong thời gian dài.
Rách cơ chóp xoay có thể khiến đau bả vai. Nguồn: Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ

Rách cơ chóp xoay có thể khiến đau bả vai. Nguồn: Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ

Vấn đề về xương khớp

  • Loãng xương: Loãng xương khiến xương mỏng dần theo thời gian. Xương cũng giòn và dễ gãy hơn dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
  • Thoái hóa khớp vai: Do phải cử động liên tục, sụn khớp bị bào mòn, dẫn đến các đầu xương cọ xát vào nhau gây đau. Quá trình này cũng gây xơ hóa và hình thành gai xương, hốc xương dưới sụn, góp phần gây sưng và đau nhức tại vùng bả vai.
  • Hẹp ống sống: Là tình trạng không quan bên trong ống sống bị thu hẹp, gây áp lực lên các rễ thần kinh và tủy sống, dẫn đến đau ở xương bả vai và các bộ phận khác trên cơ thể.
  • Thoái hóa đĩa đệm: Là tình trạng đĩa đệm mất đi sự dẻo dai, lệch khỏi vị trí thông thường và gây đau.
  • Gãy xương bả vai: Các chấn thương lớn như tai nạn giao thông, chấn thương thể thao hoặc té ngã có thể làm gãy xương bả vai, dẫn đến tình trạng sưng, đau và bầm tím vùng bả vai.
Thoái hóa, loãng hoặc gãy xương bả vai đều có thể gây đau. Nguồn: BV Đa khoa Tâm Anh

Thoái hóa, loãng hoặc gãy xương bả vai đều có thể gây đau. Nguồn: BV Đa khoa Tâm Anh

Các vấn đề khác gây đau nhức bả vai trái

  • Tim mạch: Đau tim, viêm màng ngoài tim, phình tách động mạch chủ có thể gây đau lan đến vai, bả vai hoặc khoảng trống giữa hai xương.
  • Phổi và ngực: Zona, Hội chứng khối u ở đỉnh phổi (u Pancoast),... có thể ảnh hưởng đến phổi, khoang ngực, thành ngực gây đau bả vai.
  • Bụng và xương chậu: Một số vấn đề ở bụng và xương chậu có thể gây đau xương bả vai do cơ hoành bị viêm, đau và ảnh hưởng tới vai. Viêm tụy cũng có thể gây đau vai trái.
  • Ung thư: Khi bị ung thư (dạ dày, phổi, gan, tụy,...), các khối u ác tính ở vùng ngực hoặc bụng trên có thể gây đau bả vai.
Các bệnh lý tim mạch cùng có thể gây đau vai trái. Nguồn: Daily Express

Các bệnh lý tim mạch cùng có thể gây đau vai trái. Nguồn: Daily Express

Đau nhức bả vai trái có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn và làm giảm chất lượng cuộc sống. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Triệu chứng và biểu hiện khi đau vai trái

Đau nhức bả vai trái có thể biểu hiện theo nhiều cách, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nặng nhẹ. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:

  • Đau: Cơn đau từ nhẹ đến cấp tính hoặc ngắt quãng, có thể xuất hiện ở vai trái hoặc lan từ bả vai sang cổ, cẳng tay, cánh và bàn tay.
  • Sưng và bầm tím: Thường xuất hiện ở vùng bả vai, xung quanh khớp hoặc cánh tay.
  • Chấn thương và biến dạng khớp: Khớp ở vai và cánh tay có thể bị chấn thương hoặc biến dạng.
  • Hạn chế vận động: Đau vai trái có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như việc chải tóc, mặc áo hay nâng đồ.
  • Giảm khả năng di chuyển: Đau vai trái có thể làm hạn chế phạm vi chuyển động của vai, làm cho việc nâng đồ, căng cơ hoặc đưa cánh tay vào các tư thế cụ thể trở nên khó khăn.
  • Hạn chế giấc ngủ: Cơn đau vai thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi, làm cho bạn khó ngủ hoặc gây ra giấc ngủ không - đủ và không sâu.
  • Ngoài ra, người đau nhức bả vai cũng có thể sưng nóng tại vùng bả vai, kèm theo sốt hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, người bệnh cũng có thể xuất hiện triệu chứng bất thường như khó thở, đau bụng, tăng nhịp tim,... khi cơn đau xuất hiện.

Lưu ý rằng đây chỉ là một số biểu hiện thông thường và không đầy đủ. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng này hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác liên quan đến đau vai trái, hãy tìm kiếm ý kiến từ chuyên gia y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Cách chữa đau bả vai trái

Hiện nay, đau vai trái có đa dạng phương pháp điều trị, phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tiến triển của bệnh. Dưới đây là một số cách chữa đau bả vai trái phổ biến.

Nghỉ ngơi và thư giãn khớp vai

Đầu tiên, bạn cần cho vai trái thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Cách này được áp dụng cho những người bị đau nhức do căng cơ quá mức từ hoạt động thể thao hoặc công việc nặng nhọc. Nhờ đó, các cơ bắp, sụn viền, dây chằng vùng bả vai sẽ được thả lỏng và phục hồi.

Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng biện pháp này tối đa 3 ngày. Nếu triệu chứng không thuyên giảm, bạn cần tìm phương pháp khác để tránh mỏi lưng và hạn chế lưu thông tuần hoàn.

Thư giãn khớp vai để giảm đau do căng cơ. Nguồn: VnExpress

Thư giãn khớp vai để giảm đau do căng cơ. Nguồn: VnExpress

Chườm nóng

Khi chườm nóng, nhiệt độ từ những vật nóng sẽ giúp làm giãn phần vai đang căng cứng. Đồng thời, chườm nóng cũng góp phần tăng lưu thông máu đến chỗ đau, giảm đau nhức và sưng viêm.

Sử dụng thuốc giảm đau

Nếu đau vai trái làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bác sĩ có thể đề xuất sử dụng thuốc giảm đau và chống viêm như paracetamol để giảm triệu chứng.

Tập vật lý trị liệu, xoa bóp

Các phương thức điều trị như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu có thể được áp dụng để giúp người bệnh giãn cơ, thư giãn vùng bả vai sưng đau.

Bên cạnh đó, các phương pháp trị liệu vật lý như nhiệt năng, xung điện, sóng siêu âm/sóng ngắn có thể được chỉ định để điều trị giảm đau.

Đồng thời, các phương pháp như nắng, kéo giãn, và các bài tập vận động chuyên biệt cho bả vai cũng sẽ được áp dụng để giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu để giảm đau vai. Nguồn: VnExpress

Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu để giảm đau vai. Nguồn: VnExpress

Điều trị phẫu thuật

Chỉ định phẫu thuật sẽ được bác sĩ đưa ra khi người bệnh đau vai trái do chấn thương hoặc bệnh lý khớp vai không thuyên giảm sau khi thử các biện pháp trên. Điều này giúp khôi phục cấu trúc giải phẫu của xương khớp cũng như điều trị nguyên nhân gây sưng đau vai trái dai dẳng.

Đau nhức vai trái có cần phải đi khám không?

Đau vai trái có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân với diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Đa phần bạn có thể tự điều trị ở nhà bằng cách nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có một trong các dấu hiệu sau:

Cơn đau trở nặng đột ngột, khiến người bệnh yếu, tê lạnh, dị dạng và thay đổi sắc mặt.

Người bệnh sốt cao, kèm theo nhức đầu, chóng mặt dữ dội, tức ngực, khó thở, buồn nôn, một bên người bị yếu và tê bì thì cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Kết luận

Đau vai trái là một tình trạng thường gặp với đa dạng nguyên nhân gây bệnh. Nếu như bạn thường xuyên bị đau nhức bả vai trái hoặc đau kéo dài, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và chỉ định điều trị với phương pháp phù hợp.

Medpro - ứng dụng đặt khám nhanh tại hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc, giúp bạn đặt lịch khám bệnh nhanh chóng, chủ động chọn chuyên khoa cũng như giày giờ khám phù hợp, tiết kiệm thời gian và công sức.

Gọi ngay tổng đài 1900 2115 để được hỗ trợ đặt lịch, hoặc tải về ứng dụng Medpro để trải nghiệm dịch vụ.

Tài liệu tham khảo

  1. Tài liệu tổng quan về đau bả vai trái - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: https://bvnguyentriphuong.com.vn/co-xuong-khop/dau-ba-vai-lan-xuong-canh-tay-tong-quan-va-cach-dieu-tri
  2. Tài liệu nghiên cứu về đau bả vai - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: https://tamanhhospital.vn/dau-ba-vai/
Xem tiếp
Icon Down
Banner tải app Medpro

© 2020 - Bản quyền thuộc Công Ty Cổ Phần Ứng Dụng PKHDMCA.com Protection Status