NHỮNG LOẠI THUỐC ĐƯỢC DÙNG VÀ TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC DÙNG SAU KHI TIÊM VẮC XIN COVID-19
Các loại thuốc có thể dùng sau tiêm
Cụ thể, có thể dùng Acetaminophen 500mg x 3 lần (uống) /ngày. Tên gọi thông thường có thể là một trong các biệt dược sau: Paracetamol, Panadol, Efferalgan, Tylenol, Hapacol...
"Thuốc sử dụng an toàn để giảm các triệu chứng khó chịu thông thường như trên sau tiêm vắc xin Covid-19 với cả phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mang thai. Người có suy chức năng gan và thận nặng cần được tư vấn của bác sĩ khi uống Acetaminophen", bác sĩ Minh Lưu ý.
Trường hợp, người được tiêm chủng không giảm sưng đau tại chỗ tiêm và nhức mỏi người sau 2-3 ngày dùng thuốc Acetaminophen hoặc những người từng có tiền sử phản ứng quá mẫn với Acetaminophen hoặc có bệnh lý thiếu hụt men Glucose-6- phosphat dehydrogenase (G6PD), thuốc sử dụng thay thế Acetaminophen là Ibuprofen 400mg x 3 lần (uống)/ ngày.
"Không nên sử dụng Ibuprofen sau tiêm vắc xin Covid-19 ở những người được tiêm chủng là phụ nữ đang mang thai. Người đang điều trị các bệnh lý tim mạch mạn tính, rối loạn đông cầm máu, loét dạ dày tá tràng, cần được tư vấn của bác sĩ khi uống Ibuprofen", bác sĩ Minh cho biết.
Một số người có triệu chứng dị ứng ở da như: ngứa, nổi mẩn, phát ban sau tiêm vắc xin Covid-19, sau khi loại trừ các dấu hiệu nghi ngờ phản ứng phản vệ nặng, bác sĩ có thể chỉ định các thuốc uống nhóm anti-histamin. Người được tiêm chủng cần tiếp tục tự theo dõi sức khỏe để báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất nếu có các triệu chứng trở nặng khác kèm theo.
Ngoài ra, để giảm các triệu chứng mệt mỏi, uể oải, chán ăn sau tiêm vắc xin, bạn có thể uống bổ sung thêm các viên sủi chứa vitamin và điện giải như: Upsa C 1g, Berocca, Re-Energize uống 1 viên mỗi ngày sau ăn sáng hoặc sau ăn trưa.
Các loại thuốc không dùng sau tiêm vắc xin
Bác sĩ Minh khuyến cáo, sau khi tiêm phòng vắc xin Covid-19 có thể gặp phải những phải ứng thông thường sau tiêm như sưng đau tại vị trí tiêm. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý tuyệt đối không dùng các loại thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ không rõ loại để bôi đắp lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm.
Nếu người được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang dùng toa thuốc điều trị các bệnh lý mãn tính: người bệnh không được tự ý ngừng thuốc hay thay đổi thuốc vì có thể làm thay đổi tình trạng ổn định của bệnh. Bác sĩ sẽ xem xét toa thuốc để điều chỉnh phù hợp cho từng người bệnh.
Với lịch tiêm một số loại vắc xin khác: nên giữ khoảng cách ít nhất 28 ngày giữa vắc xin Covid-19 và các vắc xin cần thiết khác. Vì hiện nay chưa có đầy đủ nghiên cứu về việc phối hợp vắc xin Covid-19 và các vắc xin khác, do vậy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: nếu không thể thay đổi lịch tiêm thì nên tiêm vắc xin ở một vị trí khác vị trí đã tiêm vắc xin Covid-19 (cánh tay khác hoặc đùi).
Bác sĩ Minh lưu ý thêm: "Không dùng thuốc hóa trị hay xạ trị, thuốc ức chế miễn dịch trong 14 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19 vì có thể làm giảm hiệu lực của vắc xin. Đồng thời, các Uỷ ban về tiêm chủng trên thế giới và WHO cũng đang xem xét về việc khuyến cáo những nhóm người có tình trạng suy giảm miễn dịch có thể tiêm thêm mũi thứ 3 của vắc xin Covid-19 để tăng cường hiệu lực bảo vệ".
Nguồn: Báo Soha
Tin liên quan