logo
Banner News

Top 7 loại bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi

21/10/2024, 04:46 - Thanh Ngân
Các bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi là gì? Làm sao để phòng ngừa và điều trị chúng? Xem ngay bài viết dưới đây để biết thêm thông tin bạn nhé!

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh).

Trẻ em dưới 5 tuổi có hệ miễn dịch còn non nớt, khiến chúng dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và các vấn đề sức khỏe khác. Trong bài viết này, Medpro cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin hữu ích về các bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng như cách điều trị và phòng ngừa chúng.

Các bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguồn: VnEconomy

7 loại bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi

1. Cảm lạnh

Cảm lạnh là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh này thường do các loại virus thuộc chủng Rhinovirus gây ra thông qua đường hô hấp và thường diễn ra khi thời tiết chuyển mùa. Thông thường, bệnh chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, rát họng,... và sẽ sớm hết chỉ sau từ 3-7 ngày nếu biết chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên chủ quan và xem nhẹ sự nguy hiểm của căn bệnh này. Nếu để tình trạng cảm lạnh kéo dài, tình trạng của trẻ có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến các bệnh không mong muốn như viêm xoang, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,...

Cách phòng ngừa: Để hạn chế khả năng gây cảm lạnh cho con trẻ, bố mẹ nên tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cho trẻ, luôn làm sạch không gian sống, đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi công cộng, không cho tay trẻ chạm vào mắt, mũi, miệng sau khi tiếp xúc với các chất bẩn,...

2. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus này lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, một loại muỗi thường sinh sống ở những nơi có nước đọng như chum, vại, lốp xe cũ, ao tù...

Khi vừa bắt đầu sốt xuất huyết, trẻ sẽ sốt cao đột ngột, thậm chí lên đến 39-40°C, thường kèm theo những cơn đau đầu, nôn ói dữ dội và đau bụng gan. Sau đó, cơn sốt ở trẻ sẽ dần giảm, xuất hiện phát ban dạng chấm đỏ li ti trên da, có thể lan rộng khắp cơ thể. Một số trường hợp có thể xuất hiện chảy máu cam, máu trong phân, tiểu ra máu. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt xuất huyết, bố mẹ nên theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi, chườm nóng, và đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được chẩn đoán.

Cách phòng ngừa: Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để bảo vệ sức khỏe cho con em mình, bố mẹ sử dụng màn tẩm hóa chất, kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay cho trẻ khi ra ngoài, đồng thời giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, không để nước đọng để hạn chế muỗi.

Sốt xuất huyết do muỗi mang virus Dengue đốt. Nguồn: Cục Y tế dự phòng

3. Tiêu chảy

Tiêu chảy là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm trùng đường ruột, dị ứng thực phẩm, ăn nhiều đường,...Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất nước ở trẻ em, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Trẻ bị tiêu chảy thường đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kèm theo đau bụng, buồn nôn, nôn mửa. Nếu trẻ gặp tình trạng này, phụ huynh có thể cho trẻ uống nhiều nước lọc hơn bình thường và tăng cường chế độ ăn lên 6 bữa/ngày, đồng thời bổ sung nhiều chất béo tốt vào thực đơn hằng ngày của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ cải thiện đáng kể tình trạng tiêu chảy. Trong trường hợp nhận thấy tình trạng tiêu chảy của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc đi ngoài có máu trong phân, phụ huynh nên cân nhắc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa: Các bậc phụ huynh có thể hạn chế tình trạng tiêu chảy ở trẻ bằng cách luôn làm sạch thực phẩm của trẻ trước khi ăn, cho trẻ uống nước đã được đun sôi, tránh cho trẻ tiếp xúc với chất bẩn để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan,...

4. Thủy đậu

Thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm do một loại virus varicella-zoster gây ra. Chỉ trong vài ngày đầu loại virus này sẽ phát tán rất nhanh và sẽ tiếp tục lây lan ở 3 tuần tiếp theo. Bệnh này thường xuất hiện theo mùa và hầu hết mọi người đều mắc phải ít nhất một lần, đặc biệt là khi còn nhỏ.

Các triệu chứng thường xuất hiện bắt đầu với sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Sau đó, những mụn nước dần dần xuất hiện trên da trẻ và gây ngứa ngáy. Các mụn nước này sẽ nổi rải rác toàn thân và theo từng đợt xen kẽ lẫn nhau từ 7-10 ngày, sau đó vỡ ra, đóng vảy và bong tróc. Tuy nhiên, nếu những mụn nước này bị nhiễm trùng sẽ dễ dể lại sẹo cho trẻ nên các bậc phụ huynh đặc biệt lưu ý.

Nếu con bạn bị thủy đậu, hãy giữ cho trẻ ở nhà, nghỉ ngơi và uống nhiều nước, tắm rửa sạch sẽ trong 3 tuần. Bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc làm dịu ngứa. Hãy theo dõi các triệu chứng của trẻ và liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào.

Mặc dù thủy đậu thường lành tính và tự khỏi sau 3 tuần, nhưng đôi khi nó có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ sơ sinh. Các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm tủy, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết nếu phụ huynh không biết cách chăm sóc hợp lý.

Cách phòng ngừa: Tin vui cho các bậc phụ huynh đó là thủy đậu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Vắc-xin thủy đậu rất an toàn và hiệu quả, giúp bảo vệ trẻ em khỏi bị bệnh hoặc làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu trẻ vẫn bị nhiễm. Ngoài việc tiêm vắc-xin, bố mẹ có thể phòng ngừa cho con em khỏi bị thủy đậu bằng cách tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị thủy đậu, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh đồ dùng cá nhân của trẻ thật sạch sẽ.

Cách bệnh thủy đậu phát triển trong 15 ngày đầu. Nguồn: Trung Tâm Y Tế Huyện Sông Mã

5. Sởi

Sởi - Hay còn được biết đến với tên gọi thân thuộc khác là ban đỏ, là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đặc biệt đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Đặc biệt là trong năm 2024, theo báo cáo của trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, gần 80% các ca mắc sởi là trẻ em dưới 5 tuổi và hơn 70% trẻ em chưa được tiêm chủng dù đã đủ tuổi để tiêm vắc xin. Sởi xuất hiện do một loại virus lây qua đường hô hấp và lây rất nhanh. Nếu một đứa trẻ khỏe mạnh chưa từng bị sởi mà vô tình tiếp xúc với một người đang mắc sởi thì có đến 90% khả năng trẻ đã bị lây lan.

Đây là một căn bệnh khá dễ để nhận biết thông qua các biểu hiện bên ngoài của nó. Sởi thường bắt đầu với những triệu chứng ban đầu như sốt cao, ho, sổ mũi và chảy nước mắt. Sau đó, những nốt ban đỏ li ti sẽ bắt đầu xuất hiện từ vùng chân tóc rồi đến mặt và lan xuống toàn thân. Khi xảy ra phát ban thì trẻ vẫn còn sốt cho đến khi nó lan tới chân thì tình trạng của trẻ mới được thuyên giảm.

Cách phòng ngừa: Sởi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, tiêu đàm máu, nhiễm đường huyết, suy dinh dưỡng và thậm chí tử vong nếu không biết cách chăm sóc và điều trị hợp lý. Vì vậy các bậc phụ huynh cần biết cách phòng ngừa từ sớm để tránh những hậu quả không mong muốn cho con em. Bố mẹ nên tiêm vắc-xin sởi cho trẻ ít nhất 2 lần để có thể phòng ngừa hiệu quả. Lần đầu tiên khi trẻ được 9 tháng tuổi và lần thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng của sởi, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Sởi là một bệnh nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời.

6. Suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em trên thế giới, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bệnh này xảy ra khi trẻ không nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và phát triển bình thường.

Nếu bố mẹ thấy con mình có dấu hiệu chững cân, chậm tăng cân trong thời gian dài, thấp còi, thừa cân hoặc biếng ăn thì có thể trẻ đang có dấu hiệu suy dinh dưỡng, vì vậy cần được đưa đi khám càng sớm càng tốt. Nếu để tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dễ mắc bệnh rối loạn trí tuệ, chậm phát triển, và chậm hồi phục sức khỏe hơn bình thường.

Cách phòng ngừa: Để tránh tình trạng suy dinh dưỡng, bố mẹ cần đảm bảo cân bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ; ăn đủ chất đặc biệt là protein, chất béo, vitamin và khoáng chất; tăng cường rau xanh, trái cây tươi và các thực phẩm hỗ trợ hệ tiêu hóa khác như sữa chua. Và quan trọng hơn hết, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy dinh dưỡng.

Xem thêm: Khám dinh dưỡng cho trẻ ở đâu? Địa chỉ khám uy tín ở Hồ Chí Minh

7. Tay chân miệng

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra. Bệnh này thường được chia làm 2 nhóm chính là EV71 sẽ có diễn biến nhanh chóng, nguy cơ gây biến chứng cao và Coxsackie sẽ ít nặng hơn.

Bệnh tay chân miệng thường lành tính và tự khỏi sau 7-10 ngày. Thông thường, một em bé sẽ phát sốt từ 1-2 ngày rồi hết sốt. Kèm theo đó là những triệu chứng khá rõ rệt mà các bậc phụ huynh có thể quan sát trên cơ thể của trẻ nhỏ như đau chảy nước miếng, biếng ăn; nổi những mụn nước nhỏ li ti trên tay, đầu gối, mông và ở những vùng da khác.

Khi trẻ mắc tay chân miệng, bố mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng của trẻ trong 10 ngày, cho trẻ ăn những thực ăn lỏng, uống sữa mát, tắm rửa sạch sẽ, cắt móng tay để loại bỏ vi khuẩn, uống thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau. Đặc biệt lưu ý, bố mẹ không cần phải kiêng gió, kiêng nước và kiêng ăn vì những biện pháp này có thể làm cho tình trạng của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Trong trường hợp trẻ sốt quá 2 ngày, không có dấu hiệu hạ sốt, giảm đau và có những biểu hiện bất thường như dễ bị giật mình, tay chân lạnh thì bố mẹ cần đưa con em đến bệnh viện khám trong thời gian sớm nhất có thể vì trẻ đang dần xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng hơn.

Cách phòng ngừa: Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng hiệu quả, các bậc phụ huynh cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi thay tã cho trẻ; không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh tay chân miệng; vệ sinh đồ chơi, dụng cụ ăn uống của trẻ thường xuyên bằng nước nóng và xà phòng.

Ban đỏ mọng nước do bệnh tay chân miệng gây ra. Nguồn: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Các cơ sở y tế chuyên điều trị bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi

Ngoài những cách phòng ngừa và điều trị mà Medpro đề cập ở trên, các bậc phụ huynh có thể cân nhắc đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chẩn đoán chính xác loại bệnh mà trẻ đang gặp phải, đồng thời đưa ra các biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả. Một số bệnh viện và phòng khám chuyên điều trị các bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi được đông đảo người dân lựa chọn có thể kể đến như:

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Cần Thơ

Bệnh viện Đại học Y Dược 1

Phòng khám Nhi & Tham vấn tâm lý Baby DINO

Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Bệnh viện Quốc tế City

Lưu ý: Để tiết kiệm thời gian chờ đợi khám bệnh, các bậc phụ huynh có thể đặt lịch khám trước tại nhà bằng cách nhấp vào các đường link ở tên bệnh viện và phòng khám kể trên.

Kết luận

Trẻ dưới 5 tuổi rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và các vấn đề sức khỏe khác. Trên đây là thông tin chi tiết về 7 bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi để cha mẹ có thêm thông tin kiến thức trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Để ngắn ngừa các căn bệnh một cách hiệu quả, các bậc phụ huynh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối, đảm bảo vệ sinh môi trường sống và thường xuyên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ và tiêm chủng đầy đủ.

Xem tiếp
Icon Down
Banner tải app Medpro

© 2020 - Bản quyền thuộc Công Ty Cổ Phần Ứng Dụng PKHDMCA.com Protection Status