logo
Banner News

10 cách giảm đau bụng kinh hiệu quả tại nhà

01/08/2023, 11:43 - NGUYEN CAM
Bài viết này cung cấp các cách giảm đau bụng kinh an toàn và hiệu quả để ngay tại nhà, giúp chị em phụ nữ vượt qua những khó chịu trong chu kỳ kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn không chỉ là một phần quan trọng trong chu trình sinh lý tự nhiên mà còn là dấu hiệu sức khỏe sinh sản tốt. Tuy nhiên, Nhiều chị em phụ nữ trải qua cảm giác đau râm ran hoặc đau dữ dội ở vùng bụng dưới, lưng, và hông trong chu kỳ kinh nguyệt. Không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày mà còn gây ra mệt mỏi và căng thẳng tinh thần. Điều này làm cho những ngày "đèn đỏ" trở thành nỗi sợ hãi đối với không ít người.

Nhưng bạn đừng quá lo lắng, Medpro có những cách đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để giảm bớt cảm giác khó chịu này. Bài viết dưới đây, sẽ chia sẻ cho chị em những cách giảm đau bụng kinh an toàn, dễ áp dụng tại nhà để những kỳ hành kinh không còn là nỗi sợ.

Tại vì sao chị em phụ nữ thường đau bụng khi đến tháng?

Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên và quan trọng trong đời sống sinh sản phụ nữ. Chu kỳ thường kéo dài từ 28 đến 35 ngày, nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa và sức khỏe của từng người. Sự đau đớn mà các chị em thường gặp phải trong những ngày này được gọi là đau bụng kinh, có thể giải thích qua một số nguyên nhân sinh học và hormone.

Nguyên nhân chính dẫn đến các cơn đau bụng kinh là do sự co thắt cơ tử cung. Khi đến chu kỳ kinh nguyệt, tử cung của phụ nữ sẽ co bóp để loại bỏ lớp niêm mạc tử cung. Lúc này lớp niêm mạc cũ sẽ bong tróc và đẩy ra ngoài, chuẩn bị cho lớp niêm mạc mới được hình thành, sự co thắt này có thể gây đau đớn. Khi đó máu kinh xuất hiện là những lớp niêm mạc tử cung bong tróc.

Ảnh hưởng của Hormone Protaglandin: Trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, prostaglandin là một hormone sinh lý, giúp làm mềm cổ tử cung và kích thích các cơn co tử cung, khởi phát sự chuyển dạ tự nhiên, đóng vai trò chính trong việc gây đau bụng kinh.

Ngoài ra, trong chu kỳ kinh nguyệt, các cơ quan như buồng trứng, tử cung, âm đạo, hệ thống thần kinh nội tạng, vú,...đều tham gia vào quá trình đẩy máu kinh ra ngoài, dưới sự điều khiển của hormone sinh dục. Gây ra cảm giác đau bụng dưới kèm theo đau hông và đau lưng.

Thêm vào đó, sự thay đổi lưu thông máu và áp lực từ tử cung lên các cơ xung quanh cũng làm tăng cảm giác đau ở lưng và hông.

Nguyên nhân chị em phụ nữ thường đau bụng khi đến tháng

Nguyên nhân chị em phụ nữ thường đau bụng khi đến tháng

Tuỳ vào cơ địa của mỗi người khác nhau mà mức độ đau bụng kinh cũng khác nhau. Việc đau bụng kinh thường ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống hằng ngày và sức khỏe của phụ nữ. Ngoài việc gây đau đớn và không thoải mái, việc đau bụng kinh thường khiến phụ nữ có những cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi cả thể xác và tinh thần, ảnh hưởng đến các cuộc sống.

10 cách giảm đau bụng kinh tại nhà cực đơn giản và hiệu quả

Như đã chia sẻ ở trên, việc đau bụng kinh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của người phụ nữ. Do đó, sau đây Medpro sẽ chia sẻ đến bạn một số cách đỡ đau bụng kinh hiệu quả tại nhà.

Massage nhẹ nhàng bằng tinh dầu hoặc dầu gió

Massage nhẹ nhàng vùng bụng bằng tinh dầu hoặc dầu gió là một phương pháp hiệu quả để giảm đau bụng kinh ngay tại nhà. Việc này không chỉ làm dịu cảm giác đau mà còn giúp làm giãn cơ bụng dưới đang bị căng cứng. Bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu như lavender, tràm gió, tinh dầu bạc hà hoặc dầu gió, thoa đều lên vùng bụng dưới. Hãy nhẹ nhàng xoa bóp theo chuyển động tròn để giảm bớt sự co thắt của cơ bụng. Điều này không chỉ giúp giảm đau mà còn cải thiện lưu thông máu, mang lại cảm giác thoải mái hơn trong những ngày hành kinh. Lưu ý, chỉ nên massage nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh gây thêm đau đớn hoặc khó chịu.

Massage nhẹ nhàng bằng giầu gió hoặc tinh dầu là cách đỡ đau bụng kinh

Massage nhẹ nhàng bằng giầu gió hoặc tinh dầu là cách đỡ đau bụng kinh 

Chườm nước ấm, dán cao

Làm ấm vùng bụng dưới là một trong những cách giảm đau bụng kinh hiệu quả và an toàn. Bạn có thể sử dụng các túi chườm nước ấm hoặc cao dán lên vùng bụng. Việc này không giữ ấm vùng bụng mà còn có ích cho việc lưu thông máu, giảm cảm giác đau do co bóp của cơ tử cung. Để tăng hiệu quả, chị em có thể kết hợp chườm nóng với massage nhẹ nhàng vùng bụng, vừa giảm đau vừa thư giãn. Tuy nhiên cần lưu ý về nhiệt độ, không nên để quá nóng tránh làm tổn thương da.

Chườm nước ấm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả

Chườm nước ấm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả

Tập thể dục nhẹ nhàng

Đa phần các chị em suy nghĩ là trong ngày đèn đỏ thì nên được nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Nhưng thực tế tập thể dục nhẹ nhàng sẽ giúp làm giảm các cơn đau bụng và giúp máu kinh được đào thải tốt hơn.

Khi tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cơ thể bạn sẽ tăng cường lưu thông máu, giúp giảm bớt sự co thắt của tử cung. Hơn nữa, tập thể dục sẽ kích thích sản xuất endorphin hay còn gọi là "hormone hạnh phúc", giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác đau đớn. Việc tập thể dục đều đặn không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày đèn đỏ, mà còn hỗ trợ sức khỏe lâu dài, giảm căng thẳng và stress.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và các thực phẩm hỗ trợ

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng có tác động không hề nhỏ trong việc làm giảm đau bụng khi hành kinh. Chị em nên tránh tiêu thụ quá nhiều đường, muối và chất béo, thay vào đó là các thực phẩm giàu omega-3 và vitamin E như cá hồi, các loại hạt. Các chất dinh dưỡng này sẽ giúp giảm viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, chị em nên tăng cường chất xơ bằng cách ăn nhiều rau củ, trái cây,...Một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh không chỉ giúp giảm các cơn đau bụng kinh mà còn nâng cao sức khỏe.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh

Uống trà gừng

Gừng được biết đến với khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Việc uống trà gừng sẽ làm ấm và dịu đi những cơn đau bụng. Để làm trà gừng bạn chỉ cần thái một ít gừng tươi thành lát mỏng và cho vào nước sôi. Hãy để nước gừng gấm trong khoảng 3-5p, sau đó thêm một chút mật ong hoặc chanh để tăng hương vị. Ngoài ra, trà gừng còn có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và cả thiện tiêu hóa, nếu bạn uống mỗi ngày một ly vào buổi sáng. Tuy nhiên, nếu bạn đang có vấn đề về dạ dày thì chú ý không sử dụng quá nhiều gừng.

Uống mỗi ngày một ly trà gừng vào buổi sáng

Uống mỗi ngày một ly trà gừng vào buổi sáng

Uống nước ấm

Uống nước ấm là một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm đau bụng kinh ngay tại nhà. Nước ấm sẽ giúp cơ thể bạn được giữ ấm, cải thiện lưu thông máu và thúc đẩy tiêu hóa. Thay vì uống nước lọc bình thường, thì chị em có thể thay thế bằng nước ấm trong suốt cả ngày, đặc biệt khi bắt đầu cảm thấy cơn đau bụng kinh. Ngoài ra, việc uống nước ấm sẽ giúp kinh nguyệt ra đều hơn, không bị đông đặc hay tắc nghẽn. Lưu ý, chị em nên hạn chế uống nước đá trong kì kinh, vì nó sẽ làm lạnh cơ thể từ bên trong, làm giảm khả năng co bóp của tử cung, khiến cho quá trình đào thải chậm chạp và còn gây ra các cơn đau nhói hơn.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Trong những ngày có kinh, chị em cần chú ý giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, bằng cách thay băng vệ sinh hoặc tampon thường xuyên, ít nhất là mỗi 4-6 giờ, để tránh sự phát triển của vi khuẩn và có mùi không mong muốn. Sử dụng nước ấm và sản phẩm dung dịch vệ sinh có độ ph phù hợp, không mùi để tránh kích ứng. Đặc biệt cần lưu ý, chị em không nên quan hệ tình dục trong những ngày hành kinh, để tránh nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa và việc này sẽ khiến tử cung bị kích thích và co bóp, cơn đau sẽ dữ dội hơn.

Rửa nhẹ nhàng và luôn theo hướng từ trước ra sau để tránh nhiễm khuẩn ngược từ hậu môn sang vùng kín. Ngoài ra, chị em cũng nên lựa chọn các loại quần lót thoáng khí và tránh mặc quần chật cũng giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và tạo cảm giác thoải mái hơn. Việc chị em quan tâm và duy trì vệ sinh vùng kín không chỉ giúp giảm đau bụng kinh mà còn quan trọng trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm và các vấn đề sức khỏe phụ khoa khác.

Ngủ đủ giấc

Đủ giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi, giảm căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp giảm cảm giác đau. Chính vì vậy, chị em nên đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Tuy nhiên cần chị em cần lưu ý nằm ngủ đúng tư thế và giảm tác động lên phần cơ bụng dưới. Có thể kê thêm gối dưới phần đùi để làm giảm áp lực trên khu vực bụng dưới.

Giữ ấm cơ thể

Giữ ấm cơ thể trong kì kinh và trước kì kinh sẽ là một biệt pháp hữu hiệu để giảm nhẹ tình trạng đau bụng, đặc biệt là vùng lưng và bùng bụng dưới. Việc giữ ấm không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ cải thiện lưu thông máu, giúp cơ thể bạn thoải mái hơn trong suốt thời gian kinh nguyệt. Ngoài ra, hãy cố gắng tránh các hoạt động nặng nhọc và nghỉ ngơi đủ, vì việc này cũng giúp giảm bớt căng thẳng và đau đớn. Nhớ rằng việc giữ ấm cơ thể không chỉ là về việc mặc đủ ấm mà còn liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe tổng thể của bạn.

Hạn chế caffeine và đồ uống có cồn

Caffeine và đồ uống có cồn có thể làm tăng cảm giác đau và căng thẳng, đồng thời gây rối loạn lưu thông máu, điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đau bụng kinh. Để giảm bớt cơn đau, hãy cố gắng giảm lượng caffeine bạn tiêu thụ, bao gồm cà phê, trà và một số loại nước ngọt. Thay vào đó, hãy chọn các loại đồ uống không chứa caffeine như trà thảo mộc, nước lọc hoặc nước trái cây tự nhiên. Với đồ uống có cồn, giảm thiểu lượng tiêu thụ cũng giúp giảm áp lực lên hệ tiêu hóa và hỗ trợ cơ thể giữ nước, từ đó giảm đau. Bằng cách hạn chế caffeine và đồ có cồn, chị em không chỉ giúp giảm bớt cơn đau bụng kinh mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể và chất lượng giấc ngủ của mình.

Hạn chế nạp caffeine trong ngày có kinh

Hạn chế nạp caffeine trong ngày có kinh

Cách làm giảm đau bụng kinh ngay lập tức

Trong những trường hợp đau bụng kinh trở nên dữ dội và không thuyên giảm dù đã áp dụng các phương pháp bên trên, việc chuyển sang sử dụng thuốc giảm đau có thể là một lựa chọn cần thiết. Lúc này Paracetamol có thể được sử dụng như một phương pháp giảm đau cấp bách cho đau bụng kinh. Paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt, thường được xem là lựa chọn an toàn và hiệu quả khi sử dụng đúng cách. Khi bạn cảm thấy quá đau, bạn có thể uống một viên paracetamol theo liều lượng khuyến nghị trên bao bì hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để nhận được hướng dẫn chi tiết và an toàn trong việc sử dụng thuốc. Việc tự ý sử dụng thuốc không chỉ có nguy cơ tiềm ẩn về tác dụng phụ không lường trước được mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Do đó, hãy luôn tuân thủ theo lời khuyên của chuyên gia y tế, nhằm đảm bảo rằng bạn điều trị cơn đau bụng kinh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Trường hợp đau bụng kinh nào cần đi khám?

Mặc dù đau bụng kinh là một phần tự nhiên của chu kỳ kinh nguyệt, nhưng sự thay đổi đột ngột hoặc đau dữ dội không thể kiểm soát, bạn nên đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ. Điều này có thể bao gồm:

  • Đau bụng kinh quá mức, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
  • Chu kỳ không đều hoặc thay đổi đáng kể.
  • Các triệu chứng khác như chảy máu nhiều hoặc đau kéo dài.
  • Đau bụng ở vị trí khác thường như đau bụng dưới bên trái

Tham khảo chi tiết: Đau bụng dưới bên trái - Nguyên nhân và cách xử lý

Sự bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác nên cần được bác sĩ kiểm tra và tư vấn kịp thời.

Nếu đau bụng kinh quá mức bạn cần đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ

Nếu đau bụng kinh quá mức bạn cần đi khám và nhận tư vấn từ bác sĩ

Câu hỏi và giải đáp về đau bụng kinh

Đau bụng kinh là một vấn đề phổ biến mà hẫu hết chị em phụ nữ gặp phải. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp cùng với giải đáp:

Đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh

Câu hỏi: Tại sao tôi lại cảm thấy đau bụng dưới âm ỉ nhưng không có kinh nguyệt?

Giải đáp: Đau bụng dưới âm ỉ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, không chỉ liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Có thể là do sự thay đổi nội tiết, rối loạn tiêu hóa, căng thẳng, thậm chí là các vấn đề liên quan đến buồng trứng hoặc tử cung. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.

Chưa đến tháng nhưng bị đau bụng dưới

Câu hỏi: Tôi chưa đến chu kỳ kinh nguyệt nhưng lại cảm thấy đau bụng dưới, điều này có bình thường không?

Giải đáp: Đau bụng dưới trước kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), một tình trạng rất phổ biến. Nó có thể bao gồm các triệu chứng như đau bụng, căng ngực, thay đổi tâm trạng, và mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu cơn đau quá dữ dội hoặc không giống như những gì bạn thường trải qua, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đau bụng có thai có giống đau bụng kinh

Câu hỏi: Liệu đau bụng khi có thai có giống với cảm giác đau bụng kinh không?

Giải đáp: Đau bụng khi có thai có thể có một số điểm tương đồng với đau bụng kinh, nhưng thường có những đặc điểm riêng. Trong khi đau bụng kinh thường liên quan đến co thắt tử cung, đau bụng khi mang thai có thể do sự căng giãn của tử cung hoặc các cơ xung quanh. Nếu bạn nghi ngờ mình có thai và gặp phải đau bụng, điều quan trọng là phải thăm khám bác sĩ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ và bé.

Trong mọi trường hợp, nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc không chắc chắn về nguyên nhân của cơn đau, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ là cách tốt nhất để nhận được sự hỗ trợ và lời khuyên chính xác.

Kết luận

Trên đây là những cách giảm đau bụng kinh bao gồm các phương pháp tự nhiên tại nhà và phương pháp sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những biện pháp này không chỉ giúp giảm đau mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể.

Cuối cùng, sức khỏe của bạn là quan trọng nhất. Nếu bạn gặp bất kỳ vấn đề nào nghiêm trọng hoặc không chắc chắn về các triệu chứng mà mình đang trải qua, hãy không ngần ngại tham khảo ý kiến của bác sĩ. Họ sẽ là người hỗ trợ và tư vấn tốt nhất cho bạn.

Xem tiếp
Icon Down
Banner tải app Medpro

© 2020 - Bản quyền thuộc Công Ty Cổ Phần Ứng Dụng PKHDMCA.com Protection Status