Các bệnh thường gặp ở trẻ em mùa tựu trường ba mẹ cần lưu ý
Sau một mùa hè dài nghỉ ngơi và thư giãn, trẻ em sẽ quay trở lại nhịp sống học tập hối hả. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc với môi trường đông người, thay đổi thói quen sinh hoạt. Điều này còn đặc biệt khó khăn với những phụ huynh có con đi học lần đầu như trẻ lên 3, trẻ từ mẫu giáo sang cấp tiểu học. Ba mẹ hãy cùng Medpro tìm hiểu về các bệnh thường gặp ở trẻ em mùa tựu trường cũng như cách phòng ngừa hiệu quả cho bé.
Viêm mũi họng là các bệnh thường gặp ở trẻ em khi tựu trường
Quay trở lại trường học, trẻ có thể dễ mắc các bệnh lý liên quan đến viêm mũi họng do nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn. Với các bệnh lý này, trẻ có thể ủ bệnh 2-3 ngày trước khi có các dấu hiệu cụ thể.
Triệu chứng viêm mũi họng ở trẻ bao gồm nghẹt và chảy mũi, hắt xì với nước mũi chuyển từ trong sang đục dần. Trẻ cũng có thể ho và đau họng hoặc bắt đầu sốt.
Trẻ dễ bị viêm mũi họng vào giai đoạn tựu trường. Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam
Viêm tiểu phế quản cấp
Viêm tiểu phế quản cấp là một bệnh lý viêm cấp tính của phế quản nhỏ. Đây là một trong các bệnh lý thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi với nguyên nhân chính thường do nhiễm siêu vi.
Trẻ viêm tiểu phế quản cấp sẽ có các dấu hiệu như ho, sổ mũi, khò khè, thở nhanh, thở lõm ngực và sốt.
Nếu như trẻ khò khè và ho kéo da, ba mẹ cần đưa trẻ đến khám sớm tại các bệnh viện đáng tin cậy. Trong trường hợp trẻ bỏ bú, tím tái, khỏ thở, người nhà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Viêm phổi
Theo chia sẻ từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, nhiều bệnh nhi đến khám các bệnh lý về hô hấp ở giai đoạn tựu trường, bao gồm cả viêm phổi. Đây là tình trạng viêm của nhu mô phổi do nhiễm trùng hoặc hít sặc.
Trẻ bị viêm phổi sẽ có các triệu chứng tương tự cảm cúm như sốt và sổ mũi. Sau đó, trẻ sẽ bắt đầu khò khè, bị khó thở, đau ngực và đi kèm với việc sốt, ói, tiêu chảy,...
Trẻ viêm phổi cần được đến bệnh viện gấp nếu bắt đầu bỏ bú, khó thở và cơ thể tím tái. Với các triệu chứng nhẹ hơn, trẻ nên được đưa đến cơ sở y tế sớm để được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa về việc điều trị tại nhà hay nhập viện theo dõi.
Số lượng trẻ đến khám do viêm phổi tăng khi nhập học. Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống
Đau bụng cấp
Đau bụng cấp tính là các cơn đau ở vùng bụng, xảy ra đột ngột và diễn biến từ nhẹ đến dữ dội. Đau bụng cấp tính có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nội hoặc ngoại khoa.
Về nội khoa, đau bụng cấp có thể là triệu chứng của viêm dạ dày ruột, dị ứng, táo bón, nhiễm trùng đường tiểu,...
Về ngoại khoa, tình trạng này có thể là dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa, xoắn ruột, tắc ruột, lồng ruột, chấn thương bụng,...
Nếu cơn đau tăng dần và gây khó chịu nhiều, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để kịp thời điều trị.
Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè và cả khi khai giảng
Tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng từ 3 lần trở lên trong ngày với nguyên nhân gây bệnh thường do nhiễm siêu. Trẻ cũng có thể bị tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn, tác dụng phụ của kháng sinh hoặc các bệnh lý của cơ quan khác ảnh hưởng đến đường ruột,...
Tiêu chảy không chỉ là bệnh thường gặp ở trẻ em vài mùa hè mà còn kéo dài đến khi trở lại năm học. Khi mắc bệnh lý này, trẻ cần được tăng cường dinh dưỡng từ việc bú mẹ hoặc ăn thêm. Trẻ cũng cần được uống nước theo nhu cầu như Oresol, nước sạch, nước dừa, nước hoa quả, cháo, súp,...
Trẻ tiêu chảy cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng, nôn ra mọi thứ sau ăn và trở nên rất khát, thậm chí ăn uống kém hoặc bỏ bú. Bên cạnh đó, nếu trẻ không có tiến triển tốt sau 2 ngày điều trị, sốt cao hơn, có máu trong phân và co giật thì cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tay chân miệng
Tương tự với tiêu chảy, tay chân miệng cũng đồng thời là bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa hè và kể cả khi trở lại trường học. Bệnh còn có tốc độ lây lan cao và dễ bùng dịch nếu không có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Bệnh lý tay chân miệng sẽ có thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Sau thời gian ủ bệnh, từ 1-2 ngày đầu, trẻ bắt đầu có các triệu chứng đầu tiên như sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Từ 3-10 ngày sau đó, bệnh lý tay chân miệng sẽ biểu hiện rõ ràng hơn qua các vết loét ở miệng, lưỡi, nướu hoặc mọc mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Trẻ cũng sẽ có tình trạng sốt, ói, giật mình, co giật hoặc cử động bất thường,... với biến chứng nặng sẽ xuất hiện từ ngày thứ 2-5 của giai đoạn phát bệnh.
Nếu chuyên gia y tế đánh giá bé chưa có biến chứng và có thể ở nhà theo dõi, ba mẹ cần lưu ý cho con nghỉ ngơi, cách ly với các trẻ khác để hạn chế lây nhiễm và tránh kích thích bé. Đồng thời, ba mẹ tiếp tục cho bé bú hoặc ăn thực phẩm lỏng, để nguội và dễ tiêu cũng như tránh đồ chua, cay. Ba mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám mỗi 1-2 ngày, cho đến ngày thứ 8 sau khi khởi phát bệnh.
Trong giai đoạn bệnh, trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng như:
- Sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục;
- Khó ngủ, ngủ gà hoặc ngủ li bì;
- Hốt hoảng, giật mình, chới với, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng;
- Run tay, run chân, vã mồ hôi hoặc co giật;
- Nôn ói nhiều, bỏ bú, bỏ ăn;
- Da trẻ nổi bông, vân tím hoặc tái xanh.
Bệnh lý tay chân miệng thường gặp vào mùa hè và khi trẻ trở lại trường học. Nguồn: Báo Thanh Niên
Sốt xuất huyết
Bên cạnh tiêu chảy và tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là một trong các bệnh thường gặp ở trẻ em vào cả mùa hè lẫn giai đoạn tựu trường, nhất là khi mưa xuống, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản.
Trẻ sốt xuất huyết sẽ sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày kèm theo trạng thái nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, đau mỏi cơ. Bên cạnh đó, trẻ cũng nổi mẫn đỏ trên da, đau bụng, nôn ói, nằm li bì, vật vã và thậm chí chảy máu.
Nếu trẻ đã được thăm khám và chưa phát hiện dấu hiệu nặng, được chỉ định điều trị tại nhà, gia đình cần lưu ý:
- Hạ sốt: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ để làm dịu cơn sốt của trẻ.
- Bổ sung nước: Cho trẻ uống nhiều nước như nước đun sôi để nguội, nước trái cây (dừa, cam, chanh) hoặc các dung dịch có chứa điện giải và đường (nước biển khô);
- Chế độ ăn: Cho trẻ ăn bú nhiều lần, ưu tiên thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Tránh các thức uống và thực phẩm có màu đen, đỏ, nâu (Coca, Pepsi, Sá xị, cháo huyết) để tránh nhầm lẫn với chảy máu tiêu hóa;
- Tái khám: Đưa trẻ tái khám theo hẹn của bác sĩ để kiểm tra lại, vì có thể cần xét nghiệm máu.
Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Trẻ nôn mửa nhiều, đau bụng;
- Trẻ bứt rứt, quấy khóc, lừ đừ, li bì, không chịu chơi;
- Tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi;
- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu phân đen.
Viêm đường tiết niệu
Theo chia sẻ từ Bác sĩ Nguyễn Tâm Long - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiễm trùng đường tiểu là bệnh phổ biến ở trẻ em, thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam. Nguyên nhân thường do trẻ nín tiểu vì không quen chỗ, uống ít nước, hoặc không vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu.
Các biểu hiện của nhiễm trùng đường tiểu thường không rõ ràng và dễ bị bỏ qua, như sốt kéo dài, biếng ăn, hoặc không tăng cân. Nếu chú ý kỹ, ba mẹ có thể nhận thấy trẻ tiểu ít hơn, màu sắc nước tiểu thay đổi, hoặc có các biểu hiện như tiểu ngắt quãng, tiểu rắt, tiểu són trong quần kéo dài.
Khi trẻ có những triệu chứng này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Lưu ý quan trọng khi chăm sóc sức khỏe cho trẻ mùa tựu trường
Trẻ dễ bị viêm đường tiết niệu khi trở lại trường học. Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc
Kết luận
Các bệnh thường gặp ở trẻ em có thể khởi phát âm thầm và tiến triển nhanh chóng, khiến ba mẹ khó phát hiện kịp thời. Do đó, việc đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường là vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho bé.
Để chuẩn bị cho con một nền tảng khỏe mạnh và sức đề kháng tốt, ba mẹ có thể đặt lịch Tư vấn khám bệnh qua video với các bác sĩ chuyên khoa nhi trên nền tảng Medpro. Tiện ích này không chỉ giúp ba mẹ kết nối trực tiếp với các bác sĩ chuyên môn cao ngay tại nhà, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển cũng như chủ động tiếp cận thông tin trong chăm sóc sức khỏe gia đình.
Tìm hiểu thêm về Tiện ích Tư vấn khám bệnh qua video tại đây: Tiết kiệm được khối tiền với dịch vụ "Tư vấn khám bệnh từ xa"
Tài liệu tham khảo
- Tài liệu y học sức khỏe về các bệnh thường gặp khi trẻ bắt đầu đến trường - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: http://benhvien108.vn/cac-benh-thuong-gap-o-tre-khi-bat-dau-den-truong.htm
- Thông tin về các bệnh lý thường gặp ở trẻ mùa tựu trường - Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố: https://bvndtp.org.vn/cac-benh-ly-thuong-gap-o-tre-mua-tuu-truong/
Tin liên quan