Bệnh sởi bùng phát, Sở Y tế TPHCM đề xuất công bố dịch
Ngày 12/08, Báo VnExpress đưa tin Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ông Tăng Chí Thượng, đã đề xuất UBND thành phố công bố dịch sởi. Đề xuất này được gửi đi khi thành phố ghi nhận hơn 597 ca nghi nhiễm, 346 ca dương tính chỉ trong vòng vài tháng. Nguy cơ lây lan rộng lớn đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
Tình hình dịch sởi tại TPHCM
Từ ngày 23/5 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 346 ca đã được xác nhận dương tính. Đặc biệt, hơn 50% số ca bệnh đến từ các tỉnh thành khác. Trong vòng một tháng qua, TPHCM cũng ghi nhận ba trường hợp trẻ tử vong do biến chứng nặng từ sởi, tất cả đều mắc kèm các bệnh lý nền.
Sở Y tế TP.HCM cũng ghi nhận sự xuất hiện của bệnh sởi tại 57 phường xã thuộc 16 quận, huyện. Trong đó, 25% bệnh nhân là trẻ dưới 9 tháng tuổi và 84% chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vaccine. Những số liệu này cho thấy nguy cơ bệnh sởi bùng phát nếu không được kiểm soát kịp thời.
Điều trị cho trẻ bệnh sởi tại BV Nhi Đồng 1. Nguồn: Báo VnExpress
Tổng quan về bệnh sởi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây lan cực kỳ nhanh chóng qua các giọt bắn từ đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mỗi ca mắc sởi có thể lây nhiễm cho 12 - 18 người khác, cho thấy tốc độ lây lan của bệnh này còn mạnh mẽ hơn cả Covid-19.
Dấu hiệu bệnh sởi
Bệnh sởi thường bắt đầu với các triệu chứng giống cúm, bao gồm sốt cao 38°C - 40°C, ho, sổ mũi và viêm kết mạc. Đặc trưng nhất của sởi là sự xuất hiện của phát ban đỏ, bắt đầu từ mặt và lan rộng ra toàn thân. Ngoài ra, các đốm Koplik (đốm đỏ sáng với phần trung tâm hơi trắng, giống hạt cát) trong khoang miệng cũng là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh sởi sẽ phát ban đỏ ở mặt và lan ra toàn thân. Nguồn: Bệnh viện YHCT Tỉnh Đắk Lắk
Bệnh sởi có nguy hiểm không?
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã xếp sởi vào danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm B, có khả năng lây lan nhanh và gây tử vong.
Theo WHO, các biến chứng do virus sởi là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở người bệnh. Các biến chứng nguy hiểm bao gồm: mù lòa, viêm não, nhiễm trùng tai, các vấn đề hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi và tiêu chảy nặng, mất nước liên quan,...
Với phụ nữ mang thai, virus sởi có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi, dẫn đến sinh non, dị tật bẩm sinh, cân nặng khi sinh thấp hoặc thai chết lưu.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh sởi
Bệnh sởi có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc nhất, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine. Khi trẻ mắc sởi, nguy cơ lây lan cho người khác rất cao, đặc biệt là những người lớn chưa được chủng ngừa hoặc trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm ngừa.
Trẻ không được tiêm ngừa là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh sởi. Nguồn: VTV.vn
Khuyến cáo ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát từ Bộ Y tế
Trước tình trạng bệnh sởi bùng phát, tiêm vaccine là tiền đề để phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe gia đình cũng như cộng đồng. Trước khi có vaccine, sởi từng gây 2.6 triệu ca tử vong mỗi năm. Đến 2021, nhờ tiêm chủng, số ca tử vong giảm còn 128.000, chủ yếu ở trẻ chưa tiêm đủ vaccine.
Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo rằng, sau đại dịch COVID-19, một "khoảng trống miễn dịch" đã xuất hiện do nhiều trẻ em không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, dẫn đến tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch.
Để kiểm soát và ngăn ngừa dịch sởi lan rộng, Bộ Y tế khuyến cáo địa phương công bố dịch nhằm triển khai các biện pháp phòng chống chủ động. Điều này bao gồm việc tổ chức tiêm bổ sung vaccine cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bất kể tiền sử tiêm chủng trước đó. Dịch sởi sẽ được kiểm soát trong cộng đồng nếu tỷ lệ miễn dịch đạt trên 95% với hai liều vaccine.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng cho biết cần xử lý nghiêm các trường hợp tuyên truyền chống vaccine, vì vaccine sởi đã chứng minh hiệu quả phòng ngừa trên toàn thế giới.
Chủ động phòng ngừa bệnh sởi để bảo vệ gi đình
Đại dịch COVID-19 vừa qua đã gián đoạn nhiều chương trình tiêm chủng, khiến bệnh sởi có nguy cơ bùng phát trở lại. Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin sởi là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, cần cách ly người mắc bệnh sởi cho đến khi hết triệu chứng, tránh đến nơi đông người khi dịch bệnh bùng phát, và cảnh giác với các triệu chứng để phát hiện sớm. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và duy trì vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên, khử trùng các bề mặt tiếp xúc cũng là những biện pháp quan trọng.
Để bảo vệ người dân khỏi bệnh sởi, đặc biệt là trẻ em, bạn có thể tham khảo các bệnh viện uy tín như:
- Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Nhi Đồng 1
- Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ
- Bệnh viện Vũng Tàu
- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức
- Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ivy Health International Clinic
Medpro là đơn vị đầu tiên cho phép đặt lịch tiêm chủng tại ba bệnh viện công hàng đầu ở TPHCM và miền Nam
Kết luận
Bệnh sởi đang trở thành mối đe dọa lớn tại TPHCM, đặc biệt đối với trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ. Việc chủ động phòng ngừa thông qua tiêm vaccine và các biện pháp y tế là rất quan trọng để bảo vệ gia đình và cộng đồng. Medpro luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong việc đặt lịch tiêm chủng và tư vấn y tế, giúp đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Hãy hành động ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình.
Nguồn:
- Thông tin về đề xuất công bố dịch sởi bởi Sở Y tế TPHCM - Báo VnExpress: https://vnexpress.net/so-y-te-tp-hcm-de-xuat-cong-bo-dich-soi-4780664.html
- Thông tin hướng dẫn phòng tránh bệnh sởi - Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/phong-tranh-benh-soi-nhu-the-nao-185240813080818788.htm
Tin liên quan